Những thứ đã thay đổi mình sau 3 năm rời trường đại học

Thứ sáu, ngày 27 tháng 1 năm 2023

Học đại học có lẽ là một trong những milestone lớn của rất nhiều người, điều này cũng không ngoại trừ mình. Và giai đoạn tiếp theo của milestone đó cũng rất quan trọng và đáng nhớ: Ra trường và bước vào cuộc sống độc lập. Và trong bài viết này, mình muốn chia sẻ về những điều đã thay đổi bản thân mình sau khi rời ghế trường đại học.

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng có những thời điểm bỡ ngỡ, thích thú khi bước chân vào những giai đoạn mới của cuộc đời. Đó có thể là bước chân vào trường mẫu giáo, bước chân vào lớp 1, bước chân vào trường cấp 3. Khi đó, với nhiều người, chúng ta vẫn còn sống hoàn toàn dưới sự bao bọc của gia đình. Lớn hơn chút xíu, chúng ta vào đại học, nơi ta có cuộc sống độc lập hơn một chút (với các bạn phải học xa nhà thì đó là một cuộc sống "bán độc lập") nhưng vẫn được che chở từ bố mẹ. Những điều trên chính xác là cuộc sống của mình từ khi bắt đầu đi học cho đến hết thời đại học. Và trong bài viết này, mình muốn chia sẻ những thứ đã thay đổi mình trong những năm đầu sau khi rời trường đại học.

Học

Mỗi ngày nên biết thêm một thứ gì đó có ích

Khi nói đến "học", mình muốn nói đến ý nghĩa nguyên sơ nhất của nó: tìm tòi, khám phá để mở mang kiến thức của bản thân. Có vẻ như khá mâu thuẫn khi bản thân mình là đứa chưa từng học hết đại học. Tuy nhiên, sau khi bỏ học, mình vẫn tiếp tục trau dồi kiến thức thông qua nhiều cách khác nhau, chủ yếu là các nền tảng học online (Coursera hay edX) và sách.

Hiện nay, độ phổ biến của internet và các phương thức tiếp cận kiến thức quá dễ dàng khiến cho việc học không còn bị hạn chế ở các cơ sở giáo dục công lập hay tư nhân. Mình là đứa có lối sống tự do, không gò bó nên bản thân cảm thấy môi trường đại học không phù hợp với mình. Hết năm 3, mình quyết định kết thúc việc học đại học và tìm kiếm một công việc thực tập đúng công việc mình thích - lập trình viên. Mình khá may mắn khi được nhận vào làm thực tập ở một công ty IT, ở đây mình có cơ hội phát triển bản thân trong công việc mà vẫn có thể tiếp tục học tập.

Công việc của mình là kĩ sư phần mềm nên mình đăng kí theo dõi các kênh liên quan đến phát triển phầm mềm, lập trình để luôn cập nhật những thông tin mới. Đó có thể là facebook, twitter, github, medium hay bất kì nền tảng nào mà mình thích.

Tất nhiên, mình không khuyến khích các bạn bỏ học như mình mà ý mình là các bạn nên có sự mưu cầu mở rộng tri thức của bản thân thì dù bằng phương pháp nào cũng là rất tốt. Mình luôn giữ suy nghĩ rằng mình học để mở rộng kiến thức của bản thân vì kiến thức giúp bạn sinh tồn trong xã hội. Kiến thức giống như con dao, nó sẽ bảo vệ bạn khỏi những hiểm nguy với môi trường khắc nghiệt xung quanh, giống như con báo biết cách săn mồi trên đồng cỏ vậy.

Mở rộng quan hệ xã hội

Mối quan hệ tốt sẽ cho bạn nhiều cơ hội

Khi còn đi học, mình là đứa khá nhút nhát và ngại giao tiếp với người lạ, đó thật sự là một điểm yếu quan trọng với cá nhân mình. Khi rời trường, mình bắt buộc phải tự đứng trên đôi chân của mình và đi tìm việc. Con người sinh ra để sống cùng nhau nên giao tiếp là một phần không thể thiếu và mình thật sự cảm ơn vì đã có những mối quan hệ tốt những đồng nghiệp ở công ty - đó là những đàn anh dày dạn kinh nghiệm.

Mình thật sự khá là thích khi chơi với những người hơn tuổi, họ dày dạn kinh nghiệm, cho mình thấy nhiều kinh nghiệm mà không có trường lớp nào dạy. Mình thật sự khuyên mọi người nên kết giao với những người hơn mình nhiều tuổi (tất nhiên là mình không có ý bỏ các mối quan hệ với người bằng hoặc kém tuổi :smile). Nói chung, trong công việc, các bạn nên thiết lập cho mình những mối quan hệ tốt đẹp và đôi khi, quan hệ tốt sẽ mở ra cho bạn cơ hội và thử thách cao hơn trong cuộc sống.

Sẵn sàng tiếp nhận mọi thử thách

Cứ làm đi, thành công sẽ đến

Thử thách đầu tiên mà mình gặp trong ngày đầu đi làm là duy trì và phát triển một dự án đúng chất doanh nghiệp - phức tạp và chuyên nghiệp. Khi mình hoàn thành công việc đầu tiên được giao với dự án đó, mình đã rất hưng phấn và thỏa mãn, có lẽ kiểu như vừa hất cùn. Kể từ thời điểm đó, mình luôn hứng thú với những vấn đề thật sự khó và nặng về yếu tố kĩ thuật, điều đó giúp mình tiến xa hơn trong công việc, giúp mình mở rộng kiến thức rất nhiều so với những vấn đề không hề có chút thử thách. Thật sự mà nói, những vấn đề không thử thách thường làm mình chậm due date hơn những vấn đề khó. Mình luôn suy nghĩ về những thứ xung quanh vấn đề chưa giải quyết được. Mình có thể thức khuya suy nghĩ, đi làm sớm để có thể lên công ty giải quyết cho kì được.

Mình thấy khá nhiều bạn ngại những công việc khó khăn nhưng nếu bạn chịu đầu tư thời gian và công sức, bạn sẽ thành công. Mình có một mẹo khá hay là bạn luôn suy nghĩ về phần thưởng sau khi bạn giải quyết được vấn đề là kiến thức nhận được + sự thỏa mãn của kẻ chinh phục sẽ giúp bạn có động lực. Một khi bạn làm được 1 lần, bạn sẽ có ham muốn làm lần 2, lần 3 và nhiều lần nữa.

Đọc sách

Tri thức là thức ăn của linh hồn

Có khá nhiều người nói về tác động tốt của việc đọc sách rồi nhưng trong bài này, mình muốn chia sẽ trải nghiệm của mình về chuyện đọc sách.

Thật sự mà nói, số lượng sách mình đọc là không nhiều và mình cũng ước lượng rằng trung mình mỗi cuốn sách mình nhớ không tới 10% nội dung của nó. Mình có quan điểm rằng đọc sách để mình tốt lên chứ không phải để nhớ nội dung của nó. Thường thì mình sẽ đọc sách và có thể quên nó, nhưng một lúc nào đó mình nhớ đến vấn đề (có thể là ngẫu nhiên) mà trong sách nào đó nói tới và suy nghĩ nhiều về nó, qua đó rút ra bài học hay kinh nghiệm gì hữu ích, từ đó xây dựng tri thức, cái tôi cho bản thân mình.

Mình thường tìm sách theo chủ đề mà mình quan tâm. Khi mình quan tâm một vấn đề gì đó trong cuộc sống, mình thường dùng sách để tìm hiểu về nó. Mình không thích tìm hiểu nó qua internet, qua câu chuyện quán nước,... Mình luôn tìm hiểu nó từ căn bản, từ những người nổi tiếng đã master về chủ đề đó vì đó là nơi mình tin tưởng hơn cả.

Mỗi ngày mình đọc sách rất ít nhưng mình sẽ đọc chậm và suy nghĩ về nó. Bạn có thể đọc một đoạn và nếu không hiểu bạn có thể đọc lại nó để hiểu ý nghĩa mà tác giả muốn truyền tải. Có 2 quan điểm khi mình đọc sách: đọc chậm để hiểu rõ và duy trì thói quen đó mỗi ngày. Mình áp dụng "lãi kép" vào khá nhiều việc trong đời sống, bao gồm cả đọc sách. Dù hôm nay bạn chỉ được được vài trang sách nhưng nếu kiên trì, kiến thức của bạn sẽ mở rộng đáng kinh ngạc mà bạn chẳng thể nhận ra.

Triết học

Marcus Aurelius - Hoàng đế triết học

Không phải triết học trong trường đại học nhé. Có lẽ thật bất ngờ khi triết học xuất hiện trong cuộc đời của mình vì mình rất ghét lĩnh vực này do quá trình học trong trường đại học.

Đa số các bạn từng học đại học cũng không ưa gì môn triết học ở trường, nó khô khan, giáo điều. Và đến khi mình tiếp cận một số bài viết về triết học của tác giả Andy Lương trên Spiderum thì mình mới có cái nhìn khác về triết học. Mình xin trích dẫn lời của một triết gia mà mình khá thích: Triết học thuần túy là triết học đem lại cuộc sống bình thản hạnh phúc cho con người.

Cuốn sách đã đưa mình đến với triết học là cuốn Dấu chân trên cát của tác giả Nguyên Phong. Tuy chỉ là một tác phẩm hư cấu nhưng nó tạo cảm hứng cho mình muốn tìm hiểu và trở thành một con người hoàn hảo như những nhân vật trong câu chuyện.

Trường phái triết học mà mình đang theo đuổi là trường phái Khắc kỉ (Stoicism). Trường phái khắc kỉ được sáng tạo khoảng năm 300 trước Công nguyên ở Hy Lạp cổ đại và tồn tại cho đến ngày nay. Nó tập trung vào ba vấn đề chính là đạo đức, logic học và vật lí. Có rất nhiều triết gia cổ đại thuộc trường phái này nhưng nổi tiếng nhất là Seneca, Epictetus và Macus Aurelius.

Hiện tại mình đang tập trung vào hai lĩnh của nó là đạo đức và logic học. Mình thích trường phái này bởi những triết lí của nó mang tính trung hòa và linh hoạt trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Triết học khắc kỉ đề cao sự nhìn nhận và cách phản ứng của mỗi cá nhân lên mọi sự vật trong cuộc sống, qua đó giúp cho cá nhân đó kiểm soát hoàn toàn được bản thân. Chính vì lí do đó, khắc kỉ giúp con người có một sức khỏe tinh thần mạnh mẽ, cuộc sống hạnh phúc và bình thản hơn.

Nếu bạn nào quan tâm muốn đến trường phái này có thể tìm đọc những đầu sách về nó mà mình giới thiệu dưới đây.

Có ba cuốn sách được viết bởi các triết gia cổ đại, tuy chúng khá khó hiểu do ngôn từ cổ đại và qua nhiều bản dịch nhưng có lẽ nó là những gì gần với tư tưởng nguyên bản của các nhà Khắc kỉ:

  • "Những bức thư đạo đức" (Moral letters) của Seneca, link mua
  • "Những lời giáo huấn của Epictetus" (Discourses) của Arrian, link mua
  • "Suy tưởng" (Meditations) của Marcus Aurelius, link mua

Nếu những cuốn sách ở trên khó hiểu do sự khác nhau về văn phong qua từng thời kì thì bạn có thể tìm đọc những cuốn của các tác giả thời kì hiện đại sau:

  • "Chủ Nghĩa Khắc Kỷ - Phong Cách Sống Bản Lĩnh Và Bình Thản" của William B. Irvine, link mua
  • "Khắc Kỷ - Từ Zeno Đến Marcus Aurelius" của Ryan Holiday, Stephen Hanselman link mua
  • "The Daily Stoic" của Ryan Holiday & Stephen Hanselman, link mua

Ngoài Khắc kỉ, dạo gần đây mình có tìm hiểu về lối sống tối giản (minimalism) để đơn giản hóa cuộc sống hiện tại của mình, giúp mình có năng lượng tập trung vào những thứ quan trọng hơn.

Tài chính

Tài chính khỏe cho bạn nhiều lựa chọn

Cũng thật bất ngờ vì đây là lĩnh vực mà mình cũng chưa từng nghĩ là mình sẽ tìm hiểu và coi nó là một thứ đáng để mình chinh phục. Sau nhiều lần vấp ngã về vấn đề tài chính nên mình dần ý thức được tầm quan trong trọng của việc có một nền tảng tài chính các nhân vững chắc. Thời điểm này cuộc sống của mình có nhiều thay đổi nên có lẽ đó là động lực lớn nhất để mình quyết tâm tìm hiểu về vấn đề này một cách nghiêm túc hơn.

Mình đã từng ước rằng nếu cho mình quay trở lại thời điểm 5 năm về trước thì một trong những việc mình muốn nhắc bản thân mình khi ấy là nên bỏ một phần thời gian quan tâm tới vấn đề này hơn. Ở đây mình có lời khuyên cho các bạn còn là sinh viên hay mới ra trường rằng hay quan tâm tới tài chính cá nhân nhiều hơn, ngay từ bây giờ và với bất kì số tiền nào mà bạn đang sở hữu.

Tài chính hay tiền là công cụ giúp bạn sinh tồn trong cuộc sống hiện đại. Tuy mình không theo đuổi nó những mình sẽ luôn quan niệm nó là "nô lệ" giúp mình sinh tồn trong xã hội.

Cũng như phần trên, mình có tìm hiểu và đọc một vài cuốn sách về tài chính và đầu tư, giúp mình có cái nhìn tốt hơn về màng này. Những cuốn sách mà mình cảm thấy hay và muốn khuyến khích mọi người đọc nó như:

  • "Người Giàu Có Nhất Thành Babylon" của George Samuel Clason, link mua
  • "How Money Works - Hiểu Hết Về Tiền", link mua
  • "Nhà Đầu Tư Thông Minh" của Benjamin Graham, link mua

Qua bài viết này, mình muốn nói rằng tuy kiến thức chuyên môn cần giỏi nhưng nó chỉ chiếm một phần nhỏ trong tri thức của mỗi người, hãy dành những phần khác cho những lĩnh vực khác xung quanh cuộc sống của bạn. Nên tập trung và tìm hiểu những thứ mà cuộc sống ngày nay yêu cầu, xã hội yêu cầu những quy tắc và mỗi cá nhân trong đó nên làm chủ những quy tắc đó để trở thành một phần của xã hội. Mình hi vọng bài viết này phần nào giúp ích cho cuộc sống và công việc của mọi người, bye :smile.